Trùng thông tin bảo hiểm do mượn giấy tờ, người lao động cần làm gì?

13/09/2024 11:17 AM


(Dân trí) - Việc mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là vi phạm nguyên tắc trung thực theo Luật lao động. Người lao động cần làm gì để đảm bảo quyền lợi khi trùng thông tin bảo hiểm xã hội?.

Người lao động bị "treo" quyền

Như Dân trí đã phản ánh, thời gian qua, các cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Nghệ An ghi nhận nhiều trường hợp lao động trùng thông tin BHXH. Số lao động này chủ yếu là quê Nghệ An có thời gian làm việc tại các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM... 

Qua làm việc với cơ quan chức năng, người lao động thừa nhận cho hoặc mượn hồ sơ dẫn đến thông tin trên cơ sở dữ liệu của ngành BHXH báo trùng.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng Phòng Quản lý thu - sổ - thẻ BHXH tỉnh Nghệ An, việc mượn hồ sơ chủ yếu rơi vào các trường hợp chưa đủ tuổi hoặc đã quá tuổi tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động theo điều kiện tại thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp hay liên quan đến bằng cấp nghề nghiệp đã được đào tạo mà doanh nghiệp yêu cầu.

Việc trùng thông tin BHXH khiến người lao động bị "treo" quyền lợi khi giải quyết các thủ tục liên quan đến chế độ BHXH.

"Khi bị trùng thông tin bảo hiểm, trước hết người lao động cần cung cấp thông tin, hồ sơ; phối hợp với các đơn vị liên quan để xem xét xử lý theo quy định", bà Thảo cho hay.

Nguy cơ mất hết quyền lợi trước và sau này

Luật sư Nguyễn Thị Anh, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho biết, mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc "trung thực" theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2, Điều 16 Bộ luật Lao động.

"Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1, Điều 49 Bộ luật Lao động, đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ", luật sư Nguyễn Thị Anh nói.

Theo quy định, cơ quan tòa án nơi ký kết, thực hiện hợp đồng lao động (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở) có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. 

Khi hợp đồng lao động vô hiệu, người lao động và người sử dụng lao động có thể lựa chọn ký lại hợp đồng lao động hoặc không ký lại hợp đồng lao động. Nếu ký lại hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020.

Trong trường hợp hai bên không ký lại hợp đồng lao động, doanh nghiệp thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện các thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với người lao động. Các vấn đề về trùng thông tin BHXH cũng sẽ được giải quyết sau khi có bản án, quyết định của tòa án.

"Theo quy định, người cho mượn (hoặc người mượn) buộc phải nộp đơn lên tòa án nơi doanh nghiệp mà người mượn hồ sơ làm việc đặt trụ sở. Thực tế, các trường hợp trùng thông tin bảo hiểm xảy ra là do người mượn hồ sơ đi làm việc ở các tỉnh phía nam. Nếu người lao động ở Nghệ An, phải vào các tỉnh phía Nam để thực hiện thủ tục khởi kiện. Điều này gây tốn kém cho người lao động", luật sư Nguyễn Thị Anh phân tích. 

Theo nữ luật sư, thực tế có công ty nơi người mượn hồ sơ tham gia làm việc đã giải thể, phá sản hoặc người mượn hồ sơ chết, mất tích. Những vướng mắc này hiện chưa có hướng giải quyết do không tồn tại chủ thể, đối tượng để có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Việc này sẽ dẫn đến sổ BHXH của người cho mượn vẫn bị treo và người lao động mất hết toàn bộ quyền lợi trước và sau này.

"Việc mượn hồ sơ của người khác để xin việc là hành vi vi phạm pháp luật. Người lao động cần đặt yếu tố trung thực lên hàng đầu trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ và tài liệu liên quan của bản thân trong quá trình giao kết hợp đồng lao động, để tránh bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. 

Trên các trang mạng xã hội hiện nay có rất nhiều đối tượng nhận thu mua sổ trùng, giảm trùng sổ BHXH. Đây là hình thức lừa đảo, người lao động cần tỉnh táo để không sa bẫy", luật sư Nguyễn Thị Anh khuyến cáo.

Khoản 2, Điều 10 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định:

Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:

a) Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu;

b) Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 9 Nghị định này;

c) Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.

Dantri.com.vn